Nhiều trí thức hàng đầu hội tụ để đóng góp ý kiến xây dựng một nền giáo dục tiên tiến cho đất nước.
Giáo
sư Chu Hảo khẳng định nền giáo dục của chúng ta đang đi lạc đường, còn
Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng nền giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền
miên bởi ràng buộc các ý thực hệ cứng nhắc.
Nguyên
Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho
giáo viên, bởi vì đây chính là yếu tố căn bản để người thầy gắn bó, tận
tâm với nghề. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đề xuất việc xuất bản sách giáo
khoa nên để nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản cạnh tranh mới có sản
phẩm đạt chất lượng cao.
Những ý kiến nêu ra tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9 đều tâm huyết, xác thực và quyết liệt.
Thực
ra, những ý kiến này không phải là phát hiện mới mẻ, tuy nhiên, dù được
đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo về giáo dục, nhưng nó vẫn còn mới
là vì cái cũ chưa được thay đổi. Các bậc trí thức uy tín có trách nhiệm
với nền giáo dục của đất nước cho nên rất có trách nhiệm với những phát
ngôn của mình. Việc khẳng định “một nền giáo dục đi lạc đường” hoặc
“khủng hoảng triền miên” có thể gây sốc cho những người quản lý giáo
dục, nhưng đó là lời nói trung thực của tấm lòng, đúng đắn của khoa học,
cho nên không thể không lắng nghe.
Tư
duy cứng nhắc khiến cho nền giáo dục Việt Nam bị khủng hoảng mà Giáo sư
Hoàng Tụy đề cập đến tưởng cũng cần phải phân tích một cách khách quan,
khoa học để điều chỉnh để có được một nền giáo dục khai phóng phát
triển. Chúng ta thường nói đến tư duy giáo dục áp đặt một chiều, đè nén
suy nghĩ độc lập, triệt tiêu khả năng sáng tạo. Chúng ta thường nói đến
một đường lối giáo dục khoa học xã hội nặng từ chương theo kiểu rập
khuôn, lời thầy nói bao giờ cũng đúng, là bất biến, là chân lý.
Nếu
thế giới này không có những bộ óc biết suy nghĩ ngược lại với những bộ
óc cũ, không có những người dám “phá hủy sáng tạo” (khái niệm của Joseph
Schumpeter – nhà kinh tế, chính trị học người Áo) thì làm sao con người
đạt được những thành tựu vĩ đại mọi mặt như ngày hôm nay. Sự khác biệt
giữa các quốc gia phát triển và chậm phát triển hôm nay không phải là gì
hơn ngoài một lằn ranh giữa một bên luôn luôn sáng tạo và đổi mới trong
ánh sáng của văn minh, còn bên kia là bảo thủ, trì trệ.
Gần
đây, nhiều gia đình cho con cái đi du học thường dùng cách nói là đi
“tị nạn giáo dục”. Có thể hơi quá lời nhưng dù sao cũng hàm chứa phần
nào thực tế hiện nay. Một nền giáo dục đang bị lạc đường và khủng hoảng
triền miên thì phải “tị nạn” là đúng rồi. Còn để cho con em không phải
đi “tị nạn giáo dục” thì nền giáo dục của quốc gia phải sửa lại cho đúng
đường.
Theo Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét