Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh nhận danh hiệu Giáo sư danh dự


Danh hiệu do Học Viện Kinh tế và Pháp Luật Moscow (Nga) trao tặng. Ngày 23/10, Học Viện Kinh tế và Pháp Luật Moscow (Nga) trao tặng Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, danh hiệu Giáo sư Danh dự Học Viện Kinh tế và Pháp luật.

TS. Trịnh Quốc Khánh là một trong số rất ít nhà khoa học Việt Nam được nhận 2 bằng Viện sỹ Viện Hàn Lâm Nga, đó là Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc tế về sinh thái, an ninh môi trường và con người.
Giáo sư Vladimir Buianov trao tặng bằng ghi danh cho Thiếu tướng, Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh.
Giáo sư Vladimir Buianov trao tặng bằng ghi danh cho Thiếu tướng, Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh.
Ông cũng là Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nga với không ít đóng góp cho việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác khoa học, giáo dục nói riêng và hợp tác, hữu nghị nói chung.
Cùng với tập thể các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, phục vụ an toàn sinh thái, an ninh môi trường và con người. Ghi nhận những công lao to lớn ấy, Học viện Kinh tế và Pháp luật Moscow đã quyết định trao tặng ông danh hiệu Tiến sỹ Danh dự của Học viện.
Trước sự chứng kiến của đông đảo sinh viên Học Viện, các cán bộ, nhà nghiên cứu khoa học của Học Viện và Trung Tâm Nhiệt đới Việt - Nga cùng đông đảo đại biểu là thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt, Giáo sư Vladimir Buianov, Giám đốc Học Viện, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt đã trao cho Thiếu tướng, Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh tấm Bằng ghi Danh và phát biểu những lời đánh giá công lao của ông.
“Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh không chỉ là một Tổng Giám đốc của một Trung tâm nghiên cứu Khoa học lớn mà còn là một giáo sư có khá nhiều bài thuyết trình rất thú vị và bổ ích tại các Hội thảo quốc tế cũng như rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ của Hội Hữu nghị. Những việc làm đó rất hữu ích cho cả phía Nga và Việt Nam” - Giáo sư Buianov nhấn mạnh.
Về phần mình, Thiếu tướng, Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh cũng bày tỏ niềm xúc động khi được trao tặng danh hiệu “Giáo sư danh dự” và coi đó như một niềm động viên tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và của Trung Tâm Nhiệt đới Việt - Nga nói riêng.
“Đây không chỉ là sự đánh giá cao của Học Viện cũng như các nhà khoa học Liên bang Nga đối với cá nhân tôi mà đây là sự đánh giá cao hoạt độn của Tring tâm Nghiên cứu khoa học Nhiệt đới Việt - Nga, một Trung tâm đã có rất nhiều đóng góp trong 25 năm qua đối với sự phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa cả lĩnh vực học thuật và đối ngoại nhân dân” - Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh nói.
Trước khi đón nhận Danh hiệu Giáo sư Danh dự của Học viện, Thiếu tướng, Viện sỹ Trịnh Quốc Khánh đã có bài thuyết giảng với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và giáo dục” mà cụ thể là về hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới Việt - Nga. Bài thuyết giảng đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của đông đảo sinh viên và nhiều đại biểu tham dự.

Đi tìm lời giải đáp cho bài toán chất lượng giáo viên


Xã hội cho rằng do lương của nhà giáo thấp nên dẫn đến việc thí sinh chẳng “mặn mà” dự thi vào khối trường Sư phạm. Đây cũng là một phần dẫn đến việc chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao. Tuy nhiên đó mới chỉ là bề nổi, phía sau đó còn biết bao điều…

Không khó để kiểm chứng một thực tế hiện nay đó là vẫn có nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp các trường Sư phạm nhưng không thể đến được với nghề hoặc sau nhiều năm bôn ba với hai chữ “hợp đồng” nên đâm ra chán nản và bỏ đi làm nghề khác. Hệ lụy là nhà nước thì thất thoát tiền tỷ để đào tạo đội ngũ nhà giáo (SV ngành Sư phạm học không phải mất học phí - PV) nhưng lại không tận dụng được hết nguồn đầu ra. Sự lãng phí ngân sách này chung quy lại là do thiếu quy hoạch trong đào tạo giáo viên (GV) và hơn hết là chưa có một kênh dự báo nguồn nhân lực này trong những năm kế tiếp để địa phương “đặt hàng” nhà trường.
 
Thiếu quy hoạch trong đào tạo sư phạm khiến lãng phí ngân sách nhà nước (ảnh minh họa)
Thiếu quy hoạch trong đào tạo sư phạm khiến lãng phí ngân sách nhà nước (ảnh minh họa)
Kì 1: Thiếu quy hoạch trong đào tạo SV Sư phạm
Trước đây dư luận xã hội từng xôn xao khi Bộ GD-ĐT có ý tưởng để cho HS, SV Sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ Sư phạm được hưởng tín dụng ưu đãi, được ưu tiên xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội. Thủ tướng quy định cụ thể về khoản tín dụng ưu đãi này. Tuy nhiên, sau khi ra trường nếu không đi dạy học tại các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, những HS, SV này phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí. Còn nếu đi dạy thì được xóa khoản vay này.
Mục đích của việc làm này là nhằm tránh thất thoát khi đào tạo đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên đến phút chót lại bất thành trước các luồng ý kiến phản biện: Việc tuyển SV theo học ngành Sư phạm ngày càng khó. Vì thế nếu ý tưởng này thành hiện thực chắc chắn thí sinh lại càng “thờ ơ” với ngành hơn.
Cách giải thích này phần nào đó đúng với thực tế hiện tại nhưng có một vấn đề quan trọng thì chưa ai đề cập đến: Sau khi tốt nghiệp thì ai sẽ bố trí việc làm cho các tân GV?
Đào tạo Sư phạm “tràn lan”
Có thể nhìn thấy hệ thống đào tạo GV hiện nay còn có rất nhiều điều đáng nói. Ngoài các trường ĐH Sư phạm trọng điểm thì hầu hết mỗi địa phương đều có một trường CĐ Sư phạm nhằm đào tạo nguồn tại chỗ. Bên cạnh đó lại hình thành các trường ĐH đào tạo đa ngành lấn sân sang mở cả ngành Sư phạm.
Nếu để ý công tác tuyển sinh nhiều năm sẽ dễ nhận thấy, nhiều trường khi mở ngành Sư phạm với mục đích ban đầu chỉ để phục vụ cho một vùng nào đó nhưng sau này "bão hòa" để có được nguồn tuyển thì lại xin phép Bộ GD-ĐT mở rộng vùng tuyển.
Trong bản quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, việc đào tạo đội ngũ GV không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. Chất lượng của đội ngũ GV còn nhiều bất cập, do vậy việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra chậm.
Rõ ràng mhững bất cập này có nguyên nhân chủ yếu là chưa có quy hoạch nhân lực GV, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên để làm cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý, đổi mới chương trình đào tạo GV, đổi mới chính sách cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh giá và đãi ngộ phù hợp.
Theo Th.S Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng đào trường ĐH Sư phạm TPHCM thì tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng hiện nay xảy ra rất phổ biến của tất cả các ngành nghề đào tạo. Ngành Sư phạm cũng vậy, chỉ tiêu tuyển sinh không có căn cứ rõ ràng mà chỉ đưa ra theo cảm tính, đưa ra trên cơ sở nhu cầu người học. Muốn có cơ cấu hợp lý đào tạo theo nhu cầu môn học, nhu cầu của địa phương thì cần phãi có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Bộ GDĐT, Sở GD-ĐT, các trường Sư phạm. Các Sở GD-ĐT phải có dự báo về đội ngũ GV sau 4, 5 năm tới. Tuyển sinh không nhất thiết phải theo quy định điểm chuẩn theo khu vực, đối tượng như hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Hiện nay có một bất cấp trong khâu đào tạo GV đó là khi mở ngành ra thì được cấp chỉ tiêu và các trường cứ cố gắng tuyển cho đủ mà không cần biết nhu cầu của xã hội như thế nào. Chúng ta cần phải xác định, nếu nhu cầu của ngành đủ thì trường có thể tạm ngừng tuyển sinh mà chuyển sang xu thế đào tạo nâng cao trình độ của GV. Lúc nào có xã hội có nhu cầu thì lại tuyển sinh đào tạo các thế hệ sinh viên mới”.
Chất lượng chưa được giám sát chặt chẽ
Mục đích mở các ngành Sư phạm ở địa phương là tạo điều kiện cho người học. Tuy nhiên, do chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nên chất lượng trong khâu đào tạo vẫn còn nhiều điều đáng để bàn.
Nếu khảo sát các đợt tuyển dụng GV ở các địa phương vừa qua, không khó để nhận thấy một điều là SV tốt nghiệp hệ Sư phạm ở các trường ĐH vùng thường có tỷ lệ khá, giỏi rất cao trong khi đó các trường đào tạo trọng điểm lại khiêm tốn hơn. Trong khi đó, khâu tuyển dụng GV của nhiều địa phương vẫn còn khá nặng nề về giá trị bằng cấp (ưu tiên những người tốt nghiệp Giỏi, Khá…). Chính vì điều này mà nhiều GV dạy hợp đồng có thâm niên công tác nhưng tốt nghiệp bằng Trung bình không thể chen chân được vào biên chế.
Theo chị H. quê ở Hà Nam, một GV hợp đồng nhiều năm chia sẻ: “Bây giờ mình rất khó để chen chân vào biên chế bởi không thể cạnh tranh được với thế hệ trẻ. Trước kia, việc bọn mình kiếm được tấm bằng tốt nghiệp loại Khá cũng phải cố gắng rất nhiều ấy vậy mà ngành này nhiều SV theo học ngành Sư phạm ở các ĐH vùng thì tỷ lệ đạt khá giỏi, rất cao. Có điều bọn mình khá ngạc nhiên là những em này khi thi đầu vào điểm thường ngang với sàn của Bộ GD-ĐT nhưng sau 4 năm đào tạo lại có sự kết quả như mơ”.
Về nghịch lý này, GS.TS Lê Viết Thịnh - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: “Trên thực tế vẫn có những em khi thi tuyển đầu vào không cao nhưng sau đó cố gắng nỗ lực vẫn đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại khâu đánh giá SV ở các trường hiện nay. Do chưa có một chuẩn chung nên nếu trường nào đó giảm nhẹ khâu kiểm tra, đánh giá thì tỷ lệ SV tốt nghiệp loại Khá, Giỏi sẽ cao và ngược lại”.
Chất lượng của đội ngũ GV là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, không có thầy giỏi thì sẽ không thể có trò giỏi được. Tuy nhiên, với việc có nhiều trường được phép tham gia đào tạo GV như hiện thì sẽ rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng đào tạo. Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này? Lời giải đáp sẽ được chúng tôi hồi đáp trong bài kế tiếp.

Nâng cao chất lượng giáo viên từ bài toán “đặt hàng”


Không có quy hoạch trong việc đào tạo giáo viên dẫn đến việc nơi thừa, nơi thiếu. Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp, các tân giáo viên lại “khổ sở” để tìm đến với nghề. Đây cũng là mấu chốt khiến cho ngành Sư phạm không còn “nóng” như trước kia.

“Đặt hàng” để tránh đào tạo thừa
Với việc hình thành các hệ thống đào tạo nhân lực ngành Sư phạm (SP) bất hợp lý nên dẫn đến quy hoạch cũng như “đặt hàng” gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì nói về dự báo cũng như quy hoạch thì ngành SP được coi là dễ nhất.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có trường SP thuộc UBND các tỉnh/thành phố thì mới có sự “đặt hàng” bởi ngân sách đào tạo do chính địa phương chi trả. Đối với các trường SP trực thuộc Bộ GD-ĐT, thuộc các ĐH vùng hoặc trường đặc thù thì điều này chưa được thực hiện. Chỉ tiêu cấp hàng năm vẫn chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo, sau khi tốt nghiệp tân giáo viên vẫn phải tự thân vận động để tìm kiếm cơ hội đến với nghề.
 
Trách lãng phí trong đào tạo sư phạm và xóa tiêu cực trong tuyển dụng sẽ là nâng
Trách lãng phí trong đào tạo Sư phạm và xóa tiêu cực trong tuyển dụng sẽ là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh minh họa)
Xét về một khía cạnh nào đó, khi địa phương “đặt hàng” để đào tạo thì phải có trách nhiệm sử dụng nguồn nhân lực này nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Nhiều tân giáo viên thuộc các trường SP địa phương vẫn không thể đến được với nghề bởi phải trải qua kì thi tuyển công chức (có thể là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai - PV). Trong khi đó, các địa phương vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên nên thường mở rộng đối tượng được phép tham gia kì thi tuyển công chức. Sự chồng chéo này một lần nữa cho thấy nghịch lý: Quy hoạch một đằng nhưng tuyển dụng lại một nẻo.
Còn đối với các trường không có đơn “đặt hàng” từ các địa phương trong đó có cả các trường trọng điểm (ĐH SP Hà Nội, ĐH SP TPHCM - PV) thì lại đang phải tự thân vận động. Từ việc trước kia chỉ chuyên đào tạo SP thì giờ đây họ phải mở thêm một số ngành ngoài SP để kiếm thêm nguồn thu để phát triển.
Một chuyên viên của Bộ GD-ĐT phụ trách quản lý khối trường SP chia sẻ: “Thật ra Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến phương án là chỉ giao cho một số trường đào tạo giáo viên cho cả nước. Địa phương nào có nhu cầu thì đặt hàng các trạng này. Đây phải là những trường có chất lượng để đảm bảo đầu ra tốt nhất. Về lý thuyết là như vậy nhưng khi thực hiện không phải là dễ bởi không có cơ chế thực hiên. Hơn hết đó là ngay chính các địa phương cũng khó mà đồng tình khi mà trong tay họ đang quản lý một trường SP đào tạo tại chỗ”.
Bản quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT được hình thành nhằm xác định được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực của ngành, góp phần đảm bảo lực lượng để tiến hành công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này. Bản quy hoạch cũng đã đưa ra được những con số dự báo về đội ngũ giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên đây mới là tổng thể chung còn con số cụ thể ở từng địa phương vẫn đang là một ẩn số cần phải có lời giải đáp.
Và sẽ xóa bỏ tiêu cực trong tuyển dụng
Nói về công tác tuyển dụng giáo viên, một số hiệu trưởng ở Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù nhà trường là nơi sử dụng giáo viên nhưng nguồn thì lại do đơn vị khác tuyển dụng và bố trí điều động về. Chính vì thế rất khó để đánh giá được năng lực thực sự của các em. Nhiều em vượt qua kì thi tuyển công chức được bố trí về dạy, mặc dù là bằng giỏi nhưng thú thực năng lực là rất yếu”.
Cùng quan điểm này, một chuyên viên của Bộ GD-ĐT đánh giá thêm: “Đây cũng là một bất cập trong tuyển dụng hiện nay. Bởi đánh giá về năng lực, chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy thì chỉ có người trong ngành mới có thể nhìn nhận được một cách thấu đáo. Đối với các đơn vị ngoài ngành học có thể tổ chức được các môn cơ sở còn đánh giá về thực hành e rằng là khó”.
Cùng vì bất cập này mà một số trường được phổ thông được giao thí điểm tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên thường dùng giải pháp “đặt hàng” các đơn vị có truyền thống đào tạo để hút được nguồn nhân lực giỏi. Bên cạnh đó nhà trường lại đứng ra tổ chức thi tuyển, sát hạch một cách công khai nên chất lượng giáo viên của trường luôn ở mức cao. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn đối với các trường ngoài công lập có uy tín.
Theo thầy L.T.H, giáo viên của một trường chuyên thì sở dĩ ngày nay ít thí sinh khá giỏi theo học SP không hẳn bởi là kém sức thu hút mà nguyên nhân chủ yếu là sau khi tốt nghiệp, các em không thể tìm kiếm được việc làm bởi những “tiêu cực” trong tuyển dụng. Chỉ khi nào chúng ta tạo ra một cơ chế để tân giáo viên đến được với nghề bằng chính năng lực thực sự thì lúc đó chắc hẳn nhiều em sẽ đầu đơn dự thi vào ngành.
“Theo tôi phương án “đặt hàng” là một bài toán hiệu quả nhưng liệu sau khi đào tạo xong các địa phương có tiếp nhận nguồn nhân lực do chính mình yêu cầu tạo ra hay không thì cần phải xem xét kỹ càng. Nếu “đặt hàng” xong rồi lại không sử dụng thì sự lãng phí sẽ tăng lên gấp bội phần” - thầy H. chia sẻ.
Bài toán nâng cao chất lượng giáo viên không phải là quá khó. Bên cạnh nó nếu chúng ta dùng số tiền lãng phí trong khâu đào tạo ngành SP hàng năm để chi trả thêm lương cho giáo viên và chấm dứt tiêu cực trong khâu tuyển dụng thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ có chuyển biến tích cực. Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa dù có được thực hiện tốt đến đâu đi nữa nhưng nếu đội ngũ nhà giáo chưa đạt chất lượng cần thiết thì việc cải cách giáo dục cũng chỉ là mang tính chất hình thức.

Người đầu tiên của Làng trẻ Hòa Bình vào đại học


Đôi chân bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, nhưng Lê Văn Chiến vẫn nỗ lực vượt khó, trở thành người đầu tiên của Làng trẻ Hoà Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) bước vào giảng đường đại học.

Lê Văn Chiến tại thư viện Trường Đại học Đại Nam.
Lê Văn Chiến tại thư viện Trường Đại học Đại Nam.
Khi sinh, đôi chân của Lê Văn Chiến (SN 1991, trú tại thôn Nội Xuân, Mai Trung, Hiệp Hoà, Bắc Giang) bị cụt đến gần đầu gối do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tây Ninh.
Lên 6 tuổi, Chiến phải ngồi nhà trong khi các bạn cùng lứa được cắp sách tới trường. Một năm sau, thấy con nằng nặc đòi đi học, bố mẹ đành cõng Chiến đến trường.
Kết thúc học kỳ I, Đài truyền hình Bắc Giang đã đến ghi lại hình ảnh Chiến sinh hoạt và học tập tại nhà.
Khi xem những hình ảnh này, Làng trẻ Hoà Bình đã gửi giấy mời Chiến đến đây để khám rồi nhận em gia nhập Làng.
“Bố đến ở với em tại Làng một tuần rồi phải về. Lúc đó em nghĩ mình bị bỏ rơi nên cứ cùng quẫy trên xe lăn kêu khóc khiến bố phải giải thích mãi em mới nguôi ngoai. Sau này em mới hiểu việc gia nhập Làng trẻ Hoà Bình là một cơ may của em và gia đình, bởi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của em trong hơn chục năm qua”- Chiến cho biết.
Năm 1999, khi tới thăm Làng trẻ Hoà Bình, các thành viên trong đoàn một tổ chức phi chính phủ xúc động trước hoàn cảnh một cậu bé có gương mặt thông minh lại phải ngồi xe lăn nên quyết định giúp Chiến có được đôi chân giả.
Thoát cảnh ngồi xe lăn, sức học của Chiến tiến bộ trông thấy, vượt hẳn so với mặt bằng kiến thức được học trong Làng trẻ Hoà Bình. Chiến được nhận vào Trường PTCS Phan Đình Giót, gần Làng trẻ Hoà Bình.
Tuy không mất tiền học, nhưng mỗi tháng bố mẹ đã phải chi cả triệu đồng để thuê xe ôm đưa đón Chiến. Đây là một khoản tiền không nhỏ, khi gia đình Chiến lại thuộc diện khó khăn.
Việc Chiến tốt nghiệp PTTH đã là một kỳ tích. Khi biết con muốn thi đại học, bố mẹ Chiến càng băn khoăn không biết sức khoẻ Chiến có trụ được không.
Chiến nói với bố mẹ: “Nếu con không học tiếp để có một nghề thì sau này vẫn trở thành người ăn bám”.
Chiến chọn khoa kế toán, Trường Đại học Đại Nam để thi vì thấy nghề này phù hợp với sức khoẻ của mình.
Sau khi nhập học một thời gian, Chiến tham gia cuộc thi tin học dành cho người khuyết tật tại Hà Nội và giành giải nhì.
Với thành tích này, Chiến được lựa chọn tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật” được tổ chức tại Hàn Quốc vào cuối tháng 10 này.

Hội thảo “Bí quyết tăng tốc tiếng Anh để học tập tại British University Vietnam”


Để chuẩn bị tốt cho hành trình học đại học tại giảng đường Anh quốc, Đại học British University Vietnam (BUV) sẽ tổ chức Hội thảo “Tips for quickly improving your English to study at BUV - Bí quyết tăng tốc tiếng Anh để học tập tại giảng đường ĐH Anh Quốc VN” vào 17h30’ ngày 26/10.

“Tiếng Anh là yếu tố cốt lõi để học sinh THPT chắc chắn được học tập trong giảng đường quốc tế. Nhưng làm sao để giỏi tiếng Anh thì là cả một vấn đề!”, đó là băn khoăn của Vũ Quỳnh Anh, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Đây cũng là tâm trạng chung của các bạn học sinh và cả các bậc phụ huynh khi nói về nỗi lo tiếng Anh khi có con chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa vào Đại học. Để chuẩn bị tốt cho hành trình học đại học tại giảng đường Anh quốc, Đại học British University Vietnam (BUV) sẽ tổ chức Hội thảo “Tips for quickly improving your English to study at BUV - Bí quyết tăng tốc tiếng Anh để học tập tại giảng đường ĐH Anh Quốc VN”. 
Hội thảo được tổ chức vào 17h30’ Thứ Sáu ngày 26/10 tại trụ sở British University Vietnam 193 Bà Triệu, Hà Nội. Chương trình được đăng ký miễn phí nhằm mục đích kết nối và chia sẻ kinh nghiệm về những phương pháp học tiếng Anh hiệu quả để thành công tại giảng đường Đại học British University Vietnam. Chương trình đặc biệt phù hợp với các bạn học sinh THPT, đặc biệt là học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 năm nay. Những phụ huynh có nguyện vọng cùng tham dự có thể đăng ký trực tiếp tại đây.
Đặc biệt, trong chương trình hội thảo, giảng viên Joshua James, chuyên gia tiếng Anh hiện đang phụ trách chương trình tiếng Anh và Dự bị Đại học tại British University Vietnam, sẽ chia sẻ phương pháp dạy tiếng Anh theo mô hình hiện đại mang tên “Language Clinic” hiện đang áp dụng tại BUV để tăng cường khả năng Tiếng Anh cho những sinh viên mới vào học. Phương pháp dạy và học mới mẻ này khuyến khích sinh viên sử dụng tiếng Anh trong mọi hoàn cảnh và khơi nguồn cảm hứng để các bạn nhanh chóng tăng tốc vốn tiếng Anh của mình. Để nghe giảng và hiểu bài trong môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh như tại BUV vừa là một thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên để bứt phá và trưởng thành trong môi trường quốc tế.
Sinh viên British University Vietnam (BUV).
Sinh viên British University Vietnam (BUV).
Tham dự chương trình, học sinh và phụ huynh đồng thời sẽ nắm kinh nghiệm học tập Tiếng Anh hiệu quả từ chính những sinh viên xuất sắc hiện đang học tập tại British University Vietnam - bạn Cao Vũ Hải Ly và Nguyễn Thanh Cường. Đây cũng là hai trong số các sinh viên đã giành được học bổng Hoàng tử Andrew các năm 2011 và 2012 để theo học tại British University Vietnam.
Được biết, đây cũng chính là cơ hội vàng cho những bạn học sinh muốn thử sức với bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào tại British University Vietnam để được nhập học ngay vào tháng 11. Học sinh và sinh viên đăng ký tham gia Hội thảo sẽ được miễn giảm 50% phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào và nhận quà hấp dẫn tại chương trình. Phụ huynh có thể liên hệ và đăng ký trực tiếptại đây.
British University Vietnam - 193 Bà Triệu, Hà Nội
Tel: 043-974 7596
Website: www.buv.edu.vn

Nhất định đến giảng đường


Dù hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng vẫn nỗ lực để giữ cơ hội ngồi ở giảng đường đại học.

Nghèo không phải rào cản
Hồ Quang Nhựt được bạn bè ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự (trường ĐH Luật TP. HCM) nể phục vì tinh thần hiếu học. Nhựt quê ở ấp An Định, huyện Đức Hoài, tỉnh Long An. Ba Nhựt rời bỏ gia đình khi cậu còn trong bụng mẹ. Ở ấp An Định, gia đình Nhựt thuộc diện nghèo nhất. Cả ba thế hệ nhà Nhựt đều không mua nổi mảnh đất để cất nhà. Ngôi nhà tôn mà Nhựt, mẹ và dì đang cư ngụ được người hàng xóm thương tình cho mượn. Kế mưu sinh của gia đình Nhựt là làm nón lá. Làm việc cật lực, nhưng mỗi ngày cả gia đình thu nhập chưa tới 40.000 đồng. Nhà nghèo không có tiền đóng học phí nên đầu năm lớp 11, Nhựt đã có ý định bỏ học để đi kiếm tiền. Cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà khuyên Nhựt tiếp tục học tập và xin nhà trường miễn học phí cho cậu hai năm cuối cấp THPT.
Cách đây hai năm, cầm giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Luật TP. HCM mà cả nhà Nhựt nặng trĩu. Cô Phạm Thị Rem, mẹ của Nhựt nói như mếu: "Gia đình nghèo quá! Bây giờ, con đậu đại học rồi, má biết lấy gì lo cho con trong bốn năm sắp tới?". Không chỉ mẹ và dì của Nhựt băn khoăn mà hàng xóm của cậu cũng xì xào, lo cái ăn cho gia đình đã khó thì lấy tiền đâu đóng học phí, trang trải sinh hoạt bốn năm nơi thành phố đắt đỏ. Thế nhưng, chính cái nghèo đó lại thôi thúc Nhựt càng phải học để vươn lên. Để có tiền nhập học, Nhựt lại ra đồng cắt lúa mướn, hái ớt thuê. Tối về, cậu phụ mẹ và dì làm nón lá. Ngày nhập học, trừ tiền đóng phí, trong túi Nhựt chỉ còn đúng 500.000 đồng. Nhựt xin ở tạm nhà người quen rồi đạp xe đi đến các địa chỉ nhân đạo giáp ranh quận 4 xin ở nhờ. Chẳng có nơi nào nhận, Nhựt đi ở ghép với các bạn trong lớp.
Chiến thắng chính mình
Còn ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn (lớp 12TO1, ngành Sửa chữa ô tô) cũng được nhiều bạn bè yêu mến. Mẹ Sơn mất từ lúc cậu còn nằm nôi. Sơn học lớp 5, ba Sơn lâm bệnh rồi cũng qua đời. Tính tình cậu thay đổi hẳn. Từ học sinh giỏi của lớp, Sơn bỏ bê học hành và nghiện game. Đến năm lớp 9, Sơn thi rớt và muốn ở nhà luôn. Nhờ tình thương và sự cảm hóa của ông nội, Sơn đã nộp hồ sơ nhập học tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm. Sơn tâm sự: "Ngày ba qua đời, mình như người mất phương hướng. Đang sống trong sự bao bọc của ba, tình thương của ông bà nội thì nay mình trở thành trẻ mồ côi. Mình trượt dài trong thế giới ảo. Cũng may, mình biết dừng lại đúng lúc và làm lại cuộc đời".
Bây giờ, mỗi khi tan học là Sơn lại về phụ bà nội bán tạp hóa. Rảnh rỗi, cậu đi phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng Á Đông (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5), kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sơn cho biết, thu nhập chính của ông bà nội là lương hưu mà phải trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Số tiền mà Sơn kiếm được, cậu dùng để trả tiền cho các chi phí của chính mình tại trường.
Ngoài giờ học, Hồ Thanh Sơn còn giúp bà nội bán tạp hóa
Ngoài giờ học, Hồ Thanh Sơn còn giúp bà nội bán tạp hóa.
Quyết định tương lai
Dù nhận 2 - 3 đầu việc làm thêm nhưng thành tích học tập của Hồ Quang Nhựt luôn đứng nhất nhì ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự. Hai năm qua, chưa năm nào điểm tổng kết của Nhựt dưới 7,5. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng là Nhựt lại thức dậy xem bài vở. Tối nào không đi làm thêm, dạy kèm thì Nhựt cũng lấy tìm tài liệu tự nghiên cứu. Nhựt cho biết, chương trình học ở trường Luật khá nặng. Vì vậy, cậu phải nỗ lực không ngừng. Nhựt cho rằng ở vị trí của mình, cậu phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, dì và những mạnh thường quân đã cưu mang mình. Hơn nữa, ra trường với tấm bằng loại ưu sẽ giúp cậu dễ xin được việc làm, đỡ dần gia đình. Nhựt bước vào năm học thứ ba, cũng là lúc dì và mẹ thay phiên nhau nhập viện. Mỗi lần về, nhìn ngôi nhà tôn thủng lỗ chỗ, Nhựt lại muốn tốt nghiệp thật nhanh để đi làm, có tiền xây cho gia đình ngôi nhà tươm tất. Nhựt tâm sự: "Bây giờ, mình có bảo lưu kết quả học tập, đi làm vài năm cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, mình quyết tâm tiếp tục học để sau này có thể tự quyết định tương lai của mình".
Ngoài việc học ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn cũng đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sơn cho biết, Hè năm sau, bạn sẽ tốt nghiệp hệ trung cấp tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm và THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sau đó, bạn sẽ dự thi tuyển sinh vào ngành Cơ khí ô tô của trường đại học nào đó hoặc liên thông lên đại học. Dù theo học tại hai trường nhưng ở nơi nào điểm trung bình của Sơn cũng trên 7,5. Tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, học kỳ nào Sơn cũng nhận được học bổng. Sơn cho biết, mình luôn đề cao từ "tranh thủ" để học được nhiều. Nhờ biết sắp xếp thời gian hợp lý, Lâm đã học tốt cả hai trường.
Lên Sài Gòn học, việc đầu tiên của Nhựt là vội vàng đi kiếm việc làm thêm. Hai năm sống xa nhà là từng ấy thời gian cậu tất bật với việc dạy kèm, phục vụ nhà hàng tiệc cưới... Nhựt tâm sự: "Số tiền mình vay ngân hàng Chính sách xã hội huyện chỉ đủ để đóng học phí và phụ lo thuốc men cho dì và mẹ. Vì vậy, rảnh lúc nào là mình lại đi làm". Mỗi tháng, việc dạy thêm đem lại cho Nhựt 1 triệu đồng. Còn 1 buổi đi phục vụ tiệc cưới từ 2h chiều đến 11h đêm được 75.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, Nhựt trả tiền thuê phòng 300.000 đồng/tháng rồi trang trải chi phí sinh hoạt, mua dụng cụ học tập. Những lúc dì và mẹ đau ốm, Nhựt lại tất tả đón xe buýt về nhà chăm sóc người thân.
 

Sẽ khuyến khích phán ánh tiêu cực trong kì thi HS giỏi


“Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tổ chức thi, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế thi”. Đây là một trong những điểm được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế HS giỏi cấp quốc gia.

Cũng theo bản dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố, mặc dù khuyến khích phản ánh tiêu cực trong kì thi học sinh giỏi (HSG) cấp quốc gia nhưng người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế thi cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận. Cụ thể là Ban chỉ đạo thi chọn HSG cấp quốc gia của Bộ GD-ĐT; Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT; Thanh tra Bộ GD-ĐT. Các bằng chứng vi phạm quy chế thi sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.
Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi thì tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bằng chứng theo quy định; bảo vệ nguyên trạng bằng chứng; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng. Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế thi. Bên cạnh đó bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.
Ngoài quy định này dự thảo cũng sửa đổi bổ sung một số điểm nhằm góp phần nâng cao chất lượng tuyển chọn HS vào các đội tuyển Olympic. Chẳng hạn như kỳ thi chọn đội tuyển Olympic là thí sinh là HS đang học ở cấp trung học phổ thông và thuộc một trong các diện sau đây: Được Bộ GD-ĐT tạo tuyển chọn trong số các HS đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số HS được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá 8 lần số HS cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó; Đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ GD-ĐT tổ chức trong các năm trước năm tổ chức kỳ thi; đồng thời không tham gia kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia cùng năm.
Việc chọn HS vào các đội tuyển Olympic sẽ tuân thủ theo quy định: Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi kỳ thi chọn HSG quốc gia, xếp thứ tự số phách theo điểm thi, từ cao xuống thấp, để xét chọn thí sinh (theo số phách bài thi) tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic Vật lí Châu Á.
Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, xếp thứ tự số phách theo điểm thi, từ cao xuống thấp, để xét chọn thí sinh (theo số phách bài thi) tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic quốc tế.  Việc xét chọn được thực hiện theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn tham gia tập huấn của mỗi môn không vượt quá 1,5 lần số HS của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế môn đó.
Chủ tịch Hội đồng chấm thi các kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt danh sách thí sinh (theo số phách bài thi) được tuyển chọn tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các HS được tuyển chọn và căn cứ kết quả học tập của các HS trong đợt tập huấn đề xuất, trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt danh sách HS của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Việc xét chọn được thực hiện theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn tham gia tập huấn của mỗi môn không vượt quá 1,5 lần số HS của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế môn đó.
Ngoài ra nhằm động viên, khích lệ các HS có năng lực học tập tốt nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên; góp phần nâng cao chất lượng tuyển chọn HS vào các đội tuyển Olympic Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra quyền lợi mới cho HSG. Cụ thể, HS tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ GD-ĐT tổ chức, được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký...

Chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho 3 khu vực khó khăn


Sau khi thống nhất với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định thực hiện một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu khu vực này.

Theo đó, các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong ba khu vực trên được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm.
Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định.
Áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại điểm b, khoản 1, điều 33 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo thông tư 09 ngày 5/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ trong khu vực Tây Nam Bộ.
Đối với các khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên chính sách ưu tiên này được áp dụng cho thí sinh thuộc các huyện nghèo theo Quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính Phủ.
Theo danh sách đính kèm mà Bộ GD-ĐT gửi các trường ĐH, CĐ thì khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, các huyện phía Tây Thanh Hóa, các huyện phía Tây Nghệ An; Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng; Khu vực Tây Nam Bộ gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Các huyện (thị xã) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biết khó khăn khu vực Tây Nam Bộ hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2012 bao gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạch Hóa, Tân Thạch (thuộc tỉnh Long An); Hồng Ngự, Tân Hồng, TX Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); TX Tân Châu, An Phú, TX Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang); Giang Thành, TX Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang); Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); Phước Long (tỉnh Bạc Liệu).

Chính sách đặc thù không nhằm để tuyển đủ chi tiêu


Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga với Dân trí xung quanh việc Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định thực hiện một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012 đối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Phóng viên: Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, Thứ trưởng có nói là nguồn tuyển năm nay dư thừa cho các trường. Đối các vùng khó như Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thì hệ số dịch chuyển lớn hơn so với mọi năm rất nhiều nên chắc chắn sẽ không gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tuy nhiên trên thực tế thì ngược lại, vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết tôi phải khẳng định điểm sàn năm nay xác định là hoàn toàn hợp lý. Nó được thể hiện ở chỗ hệ số dịch chuyển là tốt. Chẳng hạn như khối A hệ số dịch chuyển là 1,8 trong khi đó mọi năm chỉ ở mức 1,5. Do đó số lượng thí sinh (TS) dư trên sàn rất là nhiều.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (Ảnh P.T)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. (Ảnh P.T)
Bên cạnh đó, năm nay các vùng có thể tự cân đối lại với nhau. Có nghĩa những TS thi vào những trường trong khu vực đó chưa trúng tuyển NV1 đủ lấp đầy chỉ tiêu vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. Đặc biệt là Tây Nam Bộ có sự chuyển biến rất là tốt. Chỉ có Tây Bắc là hơi đuối một chút.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này nhiều trường vẫn chưa tuyển được HS? Theo quan điểm của tôi thì có rất nhiều lý do. Một là có thể trường chưa đủ uy tín để hút được TS. Hai là những ngành nghề đào tạo của các trường này không phải là “nóng” nữa. Ba là trong tình hình kinh tế các gia đình cũng khó khăn nên việc cho con đi học vào những ngành mà sau này cảm thấy khó tìm được việc làm nên họ chần chừ và cân nhắc. Một vấn đề quan trọng khác là các thông tin về tuyển dụng trong thời gian qua cũng gây tác động tâm lý nhất định đến gia đình TS.
Riêng đối với mình thì thấy nguyên nhân chính đối với các trường không tuyển được TS liên quan đến ngành nghề. Đa số các trường không tuyển được đều đào tạo ngành kinh tế quản lý, đây là những ngành không còn được thu hút mạnh so với vài năm về trước. Chẳng hạn ngay cả trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi là đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng hàng năm chỉ gọi NV1 là dư ngay lập tức nhưng năm nay chỉ đạt được 75-85%. Chứng tỏ khối kinh tế quản lý hiện nay không còn sức hút mạnh nữa.
Trong khi đó, những trường mới thành lập hoặc các trường ngoài công lập thì lại đa số đào tạo các ngành này thôi. Do đó khi TS không “ưa chuộng” nữa thì ngay lập tức các trường này bị ảnh hưởng. Như vậy ở phải xác định là TS không đi học chứ không phải nguồn tuyển không có.
Chúng ta đưa ra mức điểm sàn là nhằm mục đích đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ GD-ĐT cũng rất quyết tâm khi bỏ điểm c điều 33 trong quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta lại đưa ra chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho 3 khu vực khó khăn có thể lấy điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn. Điều này có gì đó bất ổn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi chúng ta bỏ điểm c điều 33 quy chế tuyển sinh là nhằm mục đích hạn chế cơ chế “xin - cho”. Khi mình quy định như vậy thì không phải những trường đóng ở địa bàn khó khăn mà ngay cả những chưa đóng ở vùng thuận lợi nhưng khó tuyển sinh cũng xin vận dụng nên dẫn đến điểm chuẩn quá thấp so với điểm sàn quy định. Năm nay chúng ta bỏ cơ chế “xin - cho” nhưng không có nghĩa là bỏ toàn bộ. Chúng ta phải tìm một cơ chế thay thế đối với những vùng kinh tế khó khăn, vùng khó tuyển. Đặc biệt là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Ở các vùng này thì điều kiện học tập còn nhiều khó khăn nên trình độ TS không thể sánh bằng với những vùng thuận lợi. Nói cách khác, về cơ bản thì mặt bằng không thể đạt mức chung nên chúng ta phải tạo một cơ chế phù hợp để cho các em vào học.
Khi bỏ điểm c điều 33 quy chế tuyển sinh thì trong các cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thì Bộ GD-ĐT cũng có đề xuất họ nghiên cứu một quy chế mới để thay thế. Nghĩa làm ngay khi làm sửa đổi quy chế đã có sự chỉ đạo rồi chứ không phải mình bị động vì chuyện này. Bộ GD-ĐT cũng đã lường trước được các trường thuộc 3 vùng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Bản thân Ban chỉ đạo cũng đã nghiên cứu và hỏi ý kiến các tỉnh thành trong các khu vực. Cuối cùng thì họ đề xuất là nên áp dụng một cơ chế đặc thù để cho Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ có cơ chế tuyển sinh phù hợp.
Cũng phải nhấn mạnh ở đây là việc này không có nghĩa là chỉ giúp cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà nó còn giúp cho các địa phương vùng kinh tế khó khăn có thể tuyển được người đi đào tạo để nâng cao trình độ lao động ở đây. Bởi theo quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ về vùng Tây Nam Bộ thì đến 2015 thì số lượng SV/1 vạn dân là 190 mà hiện nay họ chỉ mới ở mức 110-120. Qua đó thấy họ còn cách chỉ tiêu này rất là xa.
Theo cơ chế đặc thù mà Bộ GD-ĐT thì các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong ba khu vực khó khăn được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm. Quy định này được áp dụng năm nay và những năm kế tiếp. Vậy theo Thứ trưởng, liệu cơ chế này có tạo nên tiêu cực khi thí sinh chạy hộ khẩu?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vấn đề này Bộ GD-ĐT cũng đã nghĩ đến và lường trước được. Để được hưởng chính sách này đòi hỏi TS phải học ít nhất 3 năm THPT ở vùng khó khăn. Nghĩa là các em phải sinh sống ở đây. Bộ mong muốn rằng khi các cháu về các vùng khó khăn này, học và sinh sống tại đây và khi lên học ĐH lại tiếp tục như vậy thì sẽ gắn bó với vùng đó để ở lại làm việc.
Trên thực tế, đa số các cháu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xuống các thành phố lớn để học thì rất ít cháu quay trở về. Cơ chế này tạo ra để cho các cháu có thể học và sinh sống tại chỗ để có thể góp sức xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, cũng sẽ thu hút được các TS ở các vùng lân cận đến đây học tập và công tác.
Với cơ chế đặc thù đưa ra thì liệu các trường thuộc 3 vùng khó khăn này có tuyển đủ chỉ tiêu năm nay hay không khi mà hiện nguồn tuyển rất là hạn hẹp, thậm chí là đã hết?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc năm nay các trường thuộc các vùng này có tuyển được đủ chỉ tiêu hay không thì chuyện đó không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ số lượng các cháu HS đạt được trình độ để có thể đi học được có đông hay không thôi. Các trường có thể tăng lên chút ít không cần đủ chỉ tiêu nhưng số lượng các cháu đi học tăng lên để sau này các cháu có thể tốt nghiệp quay về làm việc ở những khu vực này. Vấn đề này mới là điều cần phải quan tâm chứ không phải cơ chế đưa ra để lấp đầy chỉ tiêu cho các trường.

Khởi động cuộc thi "Olympia dành cho sinh viên đại học"


Với mục đích thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, sáng nay 24/10, LG Electronics Việt Nam tổ chức công bố chương trình “Olympia dành cho sinh viên Đại học”. Theo đó, cuộc thi chính thức khởi động từ 24/10/2012 đến tháng 4/2013.

Trong khoảng thời gian này, các đội dự thi sẽ nộp bài viết và thi thuyết trình về đề tài nghiên cứu của mình. Đối tượng tham gia là sinh viên (SV) hiện đang học tập tại các trường ĐH trên cả nước thuộc hai khối ngành (Khoa học tự nhiên và Kinh tế), có quyền đăng ký tham gia theo hình thức “đội”. Mỗi đội tham dự tối thiểu gồm 2 thành viên. Các đội dự thi đăng ký tham gia theo đơn vị trường. Mỗi trường có thể gửi dự thi nhiều công trình.
 
Đại diện Ban giám khảo chia sẻ về quy trình lựa chọn đề tài
Đại diện Ban giám khảo chia sẻ về quy trình lựa chọn đề tài trong cuộc thi "Olympia dành cho sinh viên Đại học".
Các công trình dự thi phải có xác nhận và đánh giá đạt tiêu chuẩn của giảng viên hướng dẫn. Mỗi công trình phải ghi rõ thông tin tham khảo của giáo viên hướng dẫn. Các công trình đã đoạt giải trong các chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp thành phố trở lên không được tham gia.
Cuộc thi sẽ diễn ra 3 vòng. Cụ thể, vòng sơ loại BTC và Hội đồng khoa học sẽ đánh giá và chọn ra 12 công trình xuất sắc nhất của 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung và miền Nam).
Quy trình đánh giá gồm 2 bước. Một là công trình dự thi sẽ được gửi đến Hội đồng phản biện để lấy ý kiến và chấm điểm. Hội đồng phản biện gồm những giáo sư đầu ngành hiện đang công tác tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học danh tiếng của Việt Nam. Mỗi công trình sẽ được ít nhất hai thành viên của Hội đồng phản biện cho ý kiến và chấm điểm độc lập. Hai là, sau khi có đủ ý kiến của Hội đồng phản biện, các công trình sẽ được chuyển đến Hội đồng khoa học chấm điểm độc lập. Điểm số cuối cùng của công trình là điểm chia trung bình của các thành viên Hội đồng phản biện và Hội đồng khoa học.
Bốn công trình có điểm số cao nhất tại mỗi khu vực (mỗi bảng 2 công trình) sẽ được chọn vào vòng bán kết. Trường hợp có nhiều hơn hai đề tài cùng điểm số cao nhất, Hội đồng khoa học sẽ thảo luận và ý kiến của Chủ tịch hội đồng khoa học là ý kiến cuối cùng (hoặc Hội đồng khoa học sẽ bỏ phiếu kín để lựa chọn). Trường hợp một đội có hai công trình cùng đạt điểm cao nhất thì sẽ được Hội đồng khoa học tư vấn lựa chọn một.
Vòng bán kết được tổ chức tại Hà Nội (khu vực miền Bắc), Đà Nẵng (khu vực miền Trung) và TPHCM (khu vực miền Nam). Tại vòng bán kết, các đội sẽ trình bày đề tài nghiên cứu, trả lời các câu hỏi của khán giả tham dự chương trình và phản biện trước Hội đồng khoa học. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá và chọn 6 đội xuất sắc tham dự vòng chung kết toàn quốc. Chung kết toàn quốc sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Tại cuộc thi Chung kết toàn quốc, các đội sẽ trình bày đề tài nghiên cứu của đội, trả lời các câu hỏi của khán giả tham dự chương trình và phản biện trước Hội đồng khoa học. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá và trao giải
Theo đánh giá của BTC cuộc thi, nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động trí tuệ giúp SV vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học từ lý thuyết vào thực tiễn. Tuy nhiên hoạt động NCKH của SV Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 2,2 triệu sinh viên ĐH-CĐ, tuy nhiên số lượng SV tham gia nghiên cứu khoa học còn quá ít và kết quả đạt được về cơ bản còn hạn chế. Vì vậy nhu cầu có một sân chơi nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để SV tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới nhất là rất cần thiết và cấp bách.

Chuyện lạ về cậu học sinh lớp 11 mang hình hài trẻ con


Nếu không có cô hiệu phó xác nhận về cậu học trò đặc biệt đang học lớp 11, ắt hẳn tôi sẽ nhầm tưởng Sùng A Dì đang học ở trường… mẫu giáo. Anh chàng có khuôn mặt như cậu bé lên ba vậy mà năm nay đã 17 tuổi, cao 80cm, nặng 13kg.

Tình cờ, tôi được chị Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giới thiệu về một nhân vật đặc biệt khi đặt chân lên vùng cao quanh năm mây mù phủ kín: cậu học trò lớp 11 Trường THPT Mù Cang Chải người dân tộc Tày có tên là Sùng A Dì.
 
Chuyện lạ về cậu học sinh lớp 11 mang hình hài trẻ con
Sùng A Dì (áo trắng, quần đen) chỉ đứng chưa tới nửa người các bạn học cùng lớp nhưng 11 năm liền chưa một lần bỏ học, bên cạnh em cũng là một bạn học gặp khiếm khuyết về cơ thể
Cái đặc biệt của Sùng A Dì không cần chị Xuyến giới thiệu cũng khiến tôi và nhiều người nhạc nhiên, bởi không ai có thể tin là Dì đang học lớp 11. “Tôi cũng nhầm tưởng như anh khi gặp cậu chàng này lần đầu tiên. Năm ngoái cậu cùng bố đến trường để dự thi vào lớp 10, tôi cứ ngỡ là bố dắt đứa con trai lên 3 đi chơi. Phải xem giấy khai sinh, giấy tờ chứng nhận của chính quyền xã, tôi mới tin là Sùng A Dì đủ tuổi dự thi vào trường thật”, chị Hoàng Thị Hường, hiệu phó Trường THPT Mù Cang Chải bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về em Sùng A Dì.
A Dì sống ở bản Hồ Nhí Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Từ nhà em đến trường cách 23km, phải vượt qua rất nhiều ngọn núi, nhiều con sông, con suối, vậy mà suốt 11 năm qua Sùng A Dì chưa một lần bỏ học. Để tiện cho việc học, Sùng A Dì ở trọ luôn gần trường và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần khi “hết gạo”.
“Nhà em có 4 anh em, em là con thứ hai, tất cả đều là con trai. Ba anh em của em đều bình thường, chỉ mỗi em là “đột biến”. Ở nhà, em không làm đồng, cày ruộng, bẻ ngô giúp bố mẹ được nên chỉ biết tập trung học”, Sùng A Dì nói với tôi về cái lý do “dù bản thân không cao, nhưng chưa một ngày nghỉ học” của mình.
 
Với hình hài của đứa trẻ lên ba, không ai nghĩ Sùng A Dì năm nay đã 17 tuổi và học lớp 11
Với hình hài của đứa trẻ lên ba, không ai nghĩ Sùng A Dì năm nay đã 17 tuổi và học lớp 11
Nhà Sùng A Dì nghèo lắm. Bố mẹ Sùng A Dì chỉ có tý nương rẫy để trồng ngô, trồng lúa, quanh năm làm lụng còn chưa đủ ăn nên việc nuôi anh em Sùng A Dì học là cả một kỳ tích. Sùng A Dì bảo mỗi tuần em chỉ được bố mẹ cho 50 nghìn đồng để lo tất tần tật mọi khoảng sinh hoạt, từ ăn uống đến sách vở học hành. Tôi nhẩm tính vị chi mỗi tháng Sùng A Dì tiêu hết hai trăm nghìn đồng, một năm chưa đến hai triệu đồng cho việc theo đuổi con chữ.
Tôi cũng không hiểu với hai trăm nghìn đồng thì Sùng A Dì sẽ sống như thế nào, nhất là em lại thuê trọ gần trường chứ không phải ở ký túc xá như các bạn khác. “Sùng A Dì không ở trong khu nội trú của trường được vì em quá bé so với các vật dụng được thiết kế cho một người bình thường. Vì vậy A Dì thuê trọ ở với em trai để hai anh em tiện bề chăm sóc lẫn nhau”, cô Hường cho chúng tôi biết.
Mỗi tuần, hai anh em Sùng A Dì chỉ tiêu hết khoảng 2kg gạo, còn lại là ăn mì tôm thay cơm. Bữa cơm của Sùng A Dì rất ít khi có thịt cá, đa phần chỉ ăn rau. A Dì thường lấy cái gói bột nêm từ gói mì tôm nấu thành canh, mà như cậu nói là để cho nước canh có tý mùi vị của mỡ, của thịt. “Em ăn có bao nhiêu đâu, mỗi bữa được hơn 1 chén cơm chứ mấy. Người em bé nên ăn uống “tiết kiệm” cho bố mẹ lắm”, Sùng A Dì cười bảo với tôi.
 
Sùng A Dì thích học ngành công nghệ thông tin và em mơ ước sẽ có một cái máy vi tính cho riêng mình
Sùng A Dì thích học ngành công nghệ thông tin và em mơ ước sẽ có một cái máy vi tính cho riêng mình
Nói vậy thôi chứ để theo đuổi việc học của Sùng A Dì trong suốt 11 năm qua là cả một hành trình gian khó. Không khó làm sao được khi đến cái ăn, cái uống, tự chăm sóc bản thân mình của A Dì đã vô cùng gian nan, huống hồ là việc học. Cái gì với Sùng A Dì cũng là quá sức bởi cơ thể của cậu quá bé nhỏ, yếu ớt. Hình hài của A Dì hoàn toàn như một đứa trẻ lên ba, nhưng cậu phải sống và làm mọi việc theo đúng độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của mình.
“Em dự định sẽ theo học ngành công nghệ thông tin, vì em thấy cái ngành này hợp với khả năng của mình nhất. Em ước mơ có một cái máy vi tính, nhưng mà em biết chỉ mơ vậy thôi chứ tiền đâu mà mua. À, em cũng mơ được một lần về Hà Nội để vào thăm lăng Bác, được một lần đi khám để biết vì sao mình lại… bé thế này. Từ bé đến giờ em chưa đi đâu ra khỏi cái huyện Mù Cang Chải này, cũng chưa đi khám bệnh viện nào anh à”, Sùng A Dì tâm sự.
 
Tuy cơ thể yếu ớt, bé nhỏ nhưng Sùng A Dì luôn lạc quan, yêu đời
Tuy cơ thể yếu ớt, bé nhỏ nhưng Sùng A Dì luôn lạc quan, yêu đời
 
Ước mơ của Sùng A Dì có lẽ quá nhỏ nhoi với nhiều người như chính cái cơ thể 17 năm không chịu lớn của cậu. Nhưng tôi tin chắc rằng, khi cậu được nhiều người biết đến, thì giấc mơ sẽ không còn quá xa vời.
 
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 776: Em Sùng A Dì, học sinh lớp 11 Trường THPT Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
ĐT: 01667.824.912
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

Giáo viên tiểu học: Nghề trong mơ của bạn trẻ Hàn Quốc


Giáo viên tiểu học là công việc được ưa chuộng nhất với học sinh cấp ba ở Hàn Quốc. Đó là kết quả cuộc khảo sát mới đây ở xứ Hàn. Lý do là công việc này ổn định, lương cao và ít áp lực hơn so với làm giáo viên cấp ba.

Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Nghề Hàn Quốc vừa thực hiện khảo sát với 6.291 học sinh về nghề nghiệp mà các em yêu thích. Kết quả là có 8,8% học sinh được hỏi cho biết các em thích làm giáo viên tiểu học; 4,5% thích làm bác sĩ; 4,1% thích làm nhân viên dân sự và 4% thích làm giáo viên cấp ba. 
Giáo viên tiểu học là nghề trong mơ của bạn trẻ Hàn Quốc
Học sinh lớp ba một trường tiểu học ở Mapo, phía Tây Seoul, Hàn Quốc tặng hoa cô giáo nhân Ngày Nhà giáo. (Ảnh: Yonhap)
 
Lim Eon ở Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Nghề Hàn Quốc nhận định: "Là một giáo viên trường phổ thông có nghĩa là được đảm bảo việc làm, do vậy nghề giáo viên rất được học sinh tuổi mới lớn ưa chuộng bởi nghề này không những ổn định mà còn được trả lương cao".

Trước đó, trong một khảo sát tương tự ở Hàn Quốc về nghề nghiệp mơ ước của học sinh trung học năm 2001, giáo viên cấp ba là nghề được học sinh nước này ưa chuộng nhất (với 12,7% học sinh được khảo sát cho biết thích làm giáo viên cấp ba), trong khi đó có 2,7% học sinh thích làm giáo viên tiểu học.

"Sự ưa chuộng nghề giáo - nghề được coi là ổn định và quen thuộc với học sinh tiếp tục tăng lên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997", Lim Eon đánh giá. "Nhưng dường như giáo viên tiểu học ngày càng trở nên được ưa chuộng hơn vì giáo viên cấp ba chịu nhiều áp lực hơn, ví dụ như là chịu trách nhiệm về việc học sinh thi đỗ đại học cũng như phải tư vấn cho học sinh.

Theo Chosun, so với khảo sát năm 2001, khảo sát mới đây cho thấy bạn trẻ Hàn Quốc có xu hướng chuộng những nghề nghiệp đảm bảo như y tá, cảnh sát, bộ đội chuyên nghiệp, trong khi đó nghề kinh doanh đang giảm bớt sức nóng. 

Vì sao 1/2 tân học sinh “bỏ” Trường Xiếc VN?


Từ 2.500 thí sinh trên toàn quốc, đơn vị đào tạo này chỉ tuyển được 33 học sinh cho khóa học 2012-2016. Nhưng, tới khi khai giảng, có tới già nửa trong số đó lại... bỏ cuộc vì những lý do đặc biệt.

Cụ thể, ngay từ khi trúng tuyển, 11/33 học sinh này từ chối đăng kí nhập học, dù đã được nhà trường tìm tới để động viên. Tiếp đó, khi khóa học 2012 bắt đầu vào tháng 9 (kéo dài 5 năm), thêm 6 học sinh khác lục tục rút lui khỏi Trường, dù chưa tìm được nơi học nghề khác.
Chưa từng có tiền lệ 
Hiện, trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kĩ VN (Trường Xiếc VN) là đơn vị đào tạo chính thức duy nhất tại phía Bắc cho chuyên ngành nghệ thuật này. Theo đó, mỗi năm, các học sinh của trường được tuyển từ độ tuổi tối đa 12 và học trong 5 năm để lấy bằng trung cấp. (Một số ít được tuyển ở tuổi tối đa 15 để đào tạo riêng cho nhóm các tiết mục đế trụ).
Học sinh Trường Xiếc VN biểu diễn trong Tuần văn hóa VN tại Campuchia (10/2012).
Học sinh Trường Xiếc VN biểu diễn trong Tuần văn hóa VN tại Campuchia (10/2012).
"Ở độ tuổi 11, hệ xương của các em vẫn đang phát triển và có đủ độ dẻo để tiếp cận với những kĩ thuật đặc thù của xiếc. Tuy nhiên, đi vào tập luyện chuyên sâu, nhiều học sinh mới bộc lộ những điểm yếu tiềm ẩn về xương, nhịp tim, tiền đình...và không thể theo đuổi môn nghệ thuật này” - Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh cho biết. Theo lời ông, dù có tính rủi ro cao trong đào tạo, nhưng hiện tại nghề xiếc lại được đãi ngộ chưa xứng đáng. Do đó, việc tuyển sinh của trường xiếc là vô cùng khó khăn.
Thông thường, quá trình tuyển sinh của trường thường diễn ra khoảng 5 tháng mỗi năm, và chủ yếu lấy từ nguồn con em nông dân ở vùng sâu vùng xa. Cũng do sự khan hiếm ngay từ “đầu vào”, một số khóa học sinh gần đây đã được các đoàn xiếc công lập như Liên đoàn Xiêc VN, Đoàn xiếc HN, Đoàn xiếc TP. HCM nhận về toàn bộ sau khi khi tốt nghiệp. Bởi vậy, sau khi trúng tuyển, việc có tới một nửa số học sinh rút lui vừa là thiệt thòi lớn cho công tác đào tạo của trường, vừa là điều đáng tiếc cho tương lai của các em.
Cũng cần nói thêm, tình trạng bỏ học cũng từng lác đác xuất hiện trong những khóa đào tạo trước đây tại Trường Xiếc VN. Theo lời các giảng viên, sau khi học hết năm đầu tiên và nắm được ít nhiều kĩ thuật cơ bản về hình thể, một vài học sinh của trường lập tức chuyển sang... thi vào trường Trung cấp Múa VN. Một số khác, ở những năm học cao hơn, cũng bỏ trường để tham gia vào những gánh xiếc rong và tạp kỹ. Tuy nhiên, việc học sinh cùng lúc rút lui với số lượng lớn theo cách này là điều chưa có tiền lệ.
Vẫn nhận lại học sinh “bỏ cuộc”
Ông Khánh thẳng thẳn thừa nhận: “Bên cạnh những khó khăn khách quan, chuyện đáng tiếc trên còn đến từ những “phá rối” ngay trong nội bộ nhà trường”. Theo lời ông, trước khi nhập học, nhiều học sinh trúng tuyển vào khóa học năm nay đã bất ngờ được một số cá nhân chủ động liên hệ để cung cấp các thông tin bóp méo về trường.
“Chủ yếu, họ nói về chuyện trường Xiếc có nhiều tiêu cực, học sinh bị ăn chặn quần áo, giày tất tập luyện hoặc học xong thì không thể có bằng tốt nghiệp...” - ông Khánh nói.  
 
Được biết, trong năm 2011 và 2012, một số cán bộ của Trường Xiếc VN đã gửi đơn tới tố cáo tới các cơ quan chức năng về một số sai phạm tại đơn vị đào tạo này. Tuy nhiên, theo công văn trả lời của Bộ VH,TT&DL đề ngày 21/5 (và được ông Khánh cung cấp cho PV),  ngoài một số khoản thu chi chưa được hạch toán đúng nguyên tắc, “hầu hết các nội dung tố cáo là không đúng sự thật hoặc không có căn cứ”.
 
Riêng về bằng tốt nghiệp, ông Khánh khẳng định, theo Luật Giáo dục, học sinh chỉ được cung cấp bằng tốt nghiệp tại một trường Trung cấp khi đã có bằng tốt nghiệp văn hóa cấp Trung học Phổ thông. Trong khi đó, do đặc thù đào tạo, rất nhiều học sinh nhập trường ở tuổi 11 và tốt nghiệp năm 16 tuổi nên chưa thể học xong Bổ túc văn hóa ở bậc Trung học Phổ thông. Do vậy, các học sinh thường phải “nợ” bằng Trung cấp của trường Xiếc VN cho tới khi lấy được tấm bằng văn hóa này.
 
“Tôi khẳng định, dù với lý do gì, việc cố tình cản trở quá trình học của các em học sinh là điều không thể chấp nhận” - ông Khánh thẳng thắn. Cũng theo lời ông, Trường Xiếc VN vẫn sẽ nhận lại và tạo điều kiện cho số học sinh đã “bỏ cuộc” có thể theo kịp chương trình vừa khai giảng vào tháng 9/2012.

Thú vị tiết học tại... công viên


Sáng 24/10, hàng trăm học trò Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TPHCM) cùng tham gia tiết học ngoài trời tại công viên Gia Định do nhà trường tổ chức. Học trò được trải nghiệm các môn học và kỹ năng sống qua nhiều trò chơi, hoạt động...

Buổi học dành cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5 giúp các các em thay đổi không gian học tập hàng ngày trong khuôn khổ lớp học và bục giảng bằng khuôn viên ở ngoài trời. HS vẫn hoạt động theo lớp, từng lớp sẽ lần lượt di chuyển qua từng trạm, mỗi trạm sẽ là một nội dung vui chơi hoặc tập.
Nội dung của buổi học tập trung vào 3 trò chơi tư duy gồm chơi ô ăn quan, nhanh tay nhanh mắt và thiên nhiên kỳ thú theo từng nhóm nhóm nhỏ từ 2 - 4 người. Ngoài ra, các em cũng được giáo viên tổ chức kiểm tra kiến thức các môn học như Toán, Văn, Tự nhiên xã hội…. bằng việc cho các giải bài tập được in qua mẩu giấy nhỏ được phát ngay tại chỗ.
Học trò khối lớp 4 cùng trao đổi về bài tập Toán trong giờ học ngoài trời. 
Học trò khối lớp 4 cùng trao đổi về bài tập Toán trong giờ học ngoài trời. 
Không phải ngồi nghiêm trang như trong lớp học, không phải giữ yên tĩnh hoàn toàn, ở đây học trò thoải mái ngồi bệt, thoải mái cựa quậy và tự do trò chuyện, trao đổi bài vở cùng bạn bè như thể trong giờ học 360 độ...  Dù mồ hôi nhễ nhại, hay lâu lâu phải tìm nước uống để “tiếp sức”… nhưng các em HS tỏ ra rất thích thú, háo hức với buổi học ngoài trời kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Ngoài ra các em còn được tư vấn, chia sẻ về những rắc rối của lứa tuổi, các khó khăn trong quan hệ bạn bè, thầy cô và học tập cũng như cuộc sống. 
Cô Phan Thúy Trang - hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết trong thời gian này khối HS lớp 1, lớp 2 của trường cũng được tham gia buổi học tại nhà sách. Qua các buổi học ngoài trời, các em không chỉ được mở rộng tầm mắt và “giải phóng” khỏi không gian lớp học hàng ngày mà còn là dịp để giáo dục học trò nhiều kỹ năng như về chấp hành an toàn giao thông, kỹ năng hoạt động nhóm, giáo dục về sức khỏe giới tính cho học trò… Mỗi năm trường tổ chức 3 - 4 buổi học ngoài trời kết hợp nhiều trò chơi dân gian động - tĩnh cùng nhiều phương pháp dạy học cho học trò.
Học trò thích thú với trò chơi ô ăn quan.
Học trò thích thú với trò chơi ô ăn quan.

Dù mồ hôi nhễ nhại nhưng được giải phóng khỏi khuôn khổ lớp học, học trò tỏ ra rất thích thú.

Dù mồ hôi nhễ nhại nhưng được giải phóng khỏi khuôn khổ lớp học, học trò tỏ ra rất thích thú.
Dù mồ hôi nhễ nhại nhưng được "giải phóng" khỏi khuôn khổ lớp học, học trò tỏ ra rất thích thú.